Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Sáng ngày 02/10/2020, tại sân bay a So huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ Tư lệnh Hóa học đã tổ chức khởi công Dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế".

Các đại biểu về dự Lễ khởi công chụp ảnh lưu niệm

Tham dự Lễ khởi công có; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; thành viên Ban Chỉ đạo 701 và đại diện các tổ chức quốc tế: Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ quan phát triển liên hiệp quốc UNDP.

A Lưới là huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên hơn 1 nghìn km2. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc ít người như Paco, Tà Ôi, Cơ Tu…tạo nên sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hoá truyền thống. Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg, do đó tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người.

Từ sau khi kết thúc chiến tranh đến nay, đã có một số dự án thực hiện việc khảo sát tình trạng đất nhiễm độc trên địa bàn huyện A Lưới. Các kết quả khảo sát cho thấy: đã cơ bản xác định được khu vực ô nhiễm tại sân bay A So, nếu lấy mục tiêu xử lý là 40 ppt (đất trồng cây hàng năm theo QCVN 45:2012/BTNMT) thì diện tích ô nhiễm ước tính khoảng 5,0 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý là 35.000 m3. Trong đó có khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt.

Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học trao quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nhằm nhanh chóng tiến hành các biện pháp tẩy độc đất ở sân bay A So, tháng 2/2019, Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng chính phủ đề nghị cho phép lập dự án: Xử lý đất nhiễm da cam/dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; ngày 30/3/2020, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành  Quyết định số 1025/QĐ-BQP ngày 30/3/2020 về việc phê duyệt dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” giao trực tiếp cho Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì thực hiện dự án; tiếp đó ngày 06/4/2020 Tư lệnh Binh chủng Hóa học đã ra Quyết định số 1271/QĐ-BTL thành lập Ban quản lý dự án: “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” và giao cho Trung tâm hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (Naccet) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ cho dự án để đưa vào áp dụng cho dự án xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A Sho. Qua phân tích, đánh giá, Naccet đã lựa chọn công nghệ chôn lấp, cô lập. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu đề xuất tiến tới xử lý triệt để khối lượng đất nhiễm chất độc da cam Dioxin tại Sân bay Aso phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như kỹ thuật tại Việt Nam.

Các đại biểu bấm nút khởi công dự án

Công nghệ chôn lấp, cô lập đã từng được Bộ Tư lệnh Hoá học thực hiện trong một số dự án tại sân bay Phù Cát - Bình Định, sân bay Biên Hoà - Đồng Nai đã mang lại kết quả tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chất độc được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Việc triển khai thực hiện dự án “Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So” sẽ tiếp tục khẳng định những nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Dự án được đánh giá sẽ mang lại nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của khúc ruột miền Trung. Dự án “Xử lý đất nhiễm độc chất dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” dự kiến sẽ được tiến hành trong 2 năm  (2020-2022).

Minh Hưng (BCHH)





TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin nổi bật

Ảnh hoạt động

Liên kết Website