Phụ nữ Viện Hóa học Môi trường quân sự nghiên cứu khoa học
Cùng với sự phát triển của Viện Hóa học Môi trường quân sự, Hội Phụ nữ cơ sở cũng không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, chỉ huy Viện, phong trào thi đua “Phụ nữ Viện Hóa học Môi trường đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã được duy trì thường xuyên, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, sát với nhiệm vụ của đơn vị, đã thu được một số kết quả đáng khích lệ đóng góp xứng đáng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, Binh chủng, đồng thời góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Với đặc thù là một đơn vị nghiên cứu, số hội viên phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học chiếm 50% tổng số hội viên, 100% hội viên nghiên cứu khoa học có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có 01 hội viên đã bảo vệ Nghiên cứu sinh cấp cơ sở, trong hoạt động công tác phụ nữ, triển khai phong trào thi đua, Hội phụ nữ cơ sở Viện Hóa học môi trường quân sự đã xây dựng và thực hiện thành công Mô hình thi đua “Tiến quân vào khoa học, công nghệ”. Nhiều năm qua, mô hình đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên, phụ nữ toàn đơn vị, thực sự là một sân chơi, diễn đàn khoa học vô cùng thiết thực và ý nghĩa, khuyến khích chị em làm công tác nghiên cứu tích cực, chủ động trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy tính sáng tạo, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại tiên tiến, nhiệt tình tham gia nghiên cứu khoa học, tự tin làm chủ sáng kiến, đề tài các cấp, cùng nhau đoàn kết tiến quân vào khoa học công nghệ và vươn tới những đỉnh cao tri thức.
Thiếu tá Vũ Thị Kim Duyên, Thiếu tá Phạm Thị Thanh Mai, Đại úy Nguyễn Thị Thu Hà thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường thường xuyên tại Trung tâm Hội nghị quốc gia
Qua 8 năm triển khai mô hình, công tác nghiên cứu khoa học của phụ nữ Viện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ hội viên đứng ra chủ trì thực hiện các đề tài khoa học ngày một tăng, chất lượng của những đề tài, dự án, nhiệm vụ các cấp do hội viên chủ trì hoặc tham gia thực hiện đều được Hội đồng khoa học, Thủ trưởng các cấp đánh giá cao, nghiệm thu đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của đơn vị và Binh chủng.
Đối với chị em phụ nữ, việc tham gia nghiên cứu khoa học, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, kể cả việc đi công tác xa nhà hay làm việc cả ngày trong phòng thí nghiệm quả là một công việc khó khăn, vất vả tưởng chừng khó có thể vượt qua, bởi với thiên chức là người mẹ, người vợ, chị em còn phải gánh trên vai cả “việc nước” lẫn “việc nhà”. Nhưng với niềm đam mê nghề nghiệp, sự khích lệ của tổ chức Hội, chị em phụ nữ Viện Hóa học Môi trường quân sự đã không ngừng phấn đấu khắc phục khó khăn, sắp xếp hài hòa công việc gia đình, nỗ lực học tập, tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật mới, làm chủ các trang thiết bị, công nghệ hiện đại; nghiên cứu sáng tạo các đề tài, dự án xử lý hoá chất độc xạ; chất độc tồn lưu sau chiến tranh... Dẫu biết con đường khoa học là nhiều chông gai, tiếp xúc với nhiều loại hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc, nhưng với các chị thì dự án, đề tài như những đứa con tinh thần mà các chị không thể dứt ra được, cứ làm là quên hết mệt mỏi và phấn đấu đạt kết quả cao nhất. Nhiều chị đã đứng ra làm chủ nhiệm các đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Bộ Quốc phòng, điển hình như đề tài “Nghiên cứu chế tạo thử vật liệu cản xạ phục vụ ứng phó sự cố phóng xạ và tình huống hạt nhân” (Tác giả Vũ Thị Kim Duyên), đề tài “Nghiên cứu, thăm dò khả năng chế tạo túi PCM bổ sung cho áo hấp thụ nhiệt làm mát CVP 5220” (Tác giả Nguyễn Thị Phương), đề tài “Phân lập, xây dựng quy trình phát hiện nhanh vi khuẩn Salmonella typhi gây bệnh thương hàn bằng phương pháp Real-time PCR” (Tác giả Mai Thị Thu). Các đề tài đều đã được nghiệm thu đạt kết quả tốt và được đề nghị tiếp tục nghiên cứu để chế tạo thành sản phẩm phục vụ nhiệm vụ trong và ngoài quân đội.
Năm 2017, các chị đã đề xuất mở mới và thực hiện nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, phục vụ cho các nhiệm vụ của đơn vị và Binh chủng như: đề tài thuộc chương trình “Nghiên cứu kỹ thuật, an toàn hạt nhân đảm bảo sẵn sàng chiến đấu cho quân đội giai đoạn 2016-2020 và định hướng những năm tiếp theo”, mã số KC.AT “Nghiên cứu chế tạo thiết bị đo phóng xạ đa năng dải rộng tích hợp chức năng đo nhiễm bẩn bề mặt dùng trong quân sự ” (tác giả Vũ Thị Kim Duyên), đề tài “Nghiên cứu tạo chủng E.coli tái tổ hợp mang gen mã hóa độc tố Botulium neurotoxin type B của vi khuẩn Clostridium Botulium” (Tác giả Nguyễn Thị Thu Hà); đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị lọc nước cá nhân xử lý nguồn nước bị ô nhiễm để cung cấp cho bộ đội trong các hoạt động dã ngoại ” (Tác giả Đặng Thị Uyên); đề tài “Nghiên cứu sản xuất chất chỉ thị PEN dùng cho sản xuất giấy phát hiện chất độc quân sự ” (Tác giả Hoàng Thanh Thái).
Năm 2018, các chị đang triển khai thực hiện 04 đề tài, nhiệm vụ được giao như: Nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng “Sửa chữa, nâng cấp một số trang thiết bị Phòng thí nghiệm Tổng hợp hữu cơ” (chủ trì Đỗ Thúy Nga); Nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng “Hoàn thiện công nghệ, sản xuất loạt “0” giấy phát hiện một số chất độc quân sự trang bị cho bộ đội Binh chủng hợp thành” (chủ trì Đỗ Thúy Nga); Nhiệm vụ “Sản xuất 50 cơ số hóa chất H-03” (Tác giả Nguyễn Thị Phương). Đề tài cơ sở “Nghiên cứu thăm dò khả năng chế tạo chất tẩy xạ bề mặt cho vũ khí trang bị kiểu BX40” (Tác giả Nguyễn Thị Thoa).
Mô hình “Tiến quân vào khoa học, công nghệ” của chị em Viện Hóa học môi trường quân sự xứng đáng là một mô hình thi đua tiêu biểu của phụ nữ Binh chủng Hóa học nói riêng, phụ nữ quân đội nói chung, từ hoạt động này, chị em phụ nữ Viện Hóa học môi trường quân sự đã nhận được nhiều phần thưởng rất đáng tự hào như: giải Nhất “Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội” với công trình "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất protein kháng nguyên bảo vệ tái tổ hợp của vi khuẩn Bacillus anthracis gây bệnh than phục vụ chế tạo kít phát hiện nhanh tác nhân gây bệnh than ở tuyến cơ sở” vào tháng 5 năm 2018; Giải Ba “Cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2010” với đề tài “Nghiên cứu chế tạo lớp phủ nanocomposite Ni-TiO2 ứng dụng xử lý một số chất độc quân sự và hoá chất bảo vệ thực vật trong môi trường nước”. Dự án “Điều tra đánh giá hiện trạng phóng xạ và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh trên huyện đảo Trường Sa” do chị Vũ Thị Kim Duyên là thư ký đã được chọn là sản phẩm tham gia Ngày Phụ nữ sáng tạo năm 2017 do Trung ương Hội liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam tổ chức.
Với những kết quả đã đạt được, mô hình thi đua “Tiến quân vào khoa học, công nghệ” của Hội phụ nữ cơ sở Viện Hóa học Môi trường quân sự/Binh chủng Hóa học đã được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng Bằng khen: “Tập thể có mô hình thi đua xuất sắc trong triển khai phong trào thi đua và các cuộc vận động của phụ nữ Quân đội (2016-2018)”./.