Là cơ sở nghiên cứu trực thuộc Binh chủng Hóa học, Viện Hóa học-Môi trường Quân sự có chức năng nghiên cứu khoa học-công nghệ các trang bị hóa học, các biện pháp kỹ thuật phòng chống vũ khí hủy diệt lớn, nghiên cứu công nghệ và tổ chức xử lý ô nhiễm môi trường; quan trắc, cảnh báo phóng xạ-hóa học cho quân đội và quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, những nhiệm vụ trên càng trở nên cấp thiết. 

 Đi đầu trong nghiên cứu khoa học

Cuộc chiến tranh hoá học do Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam đã trôi qua gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của nó để lại còn rất nặng nề đối với con người và môi trường sinh thái trên đất nước Việt Nam.

Số liệu mới nhất được công bố tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội (ngày 8 và 9-8-2016), trong vòng 10 năm (1961-1971) quân đội Mỹ đã sử dụng trên 80 triệu lít chất độc diệt cây, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg chất độc dioxin, một chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Bên cạnh việc sử dụng các chất diệt cỏ, quân đội Mỹ còn sử dụng hơn 9.000 tấn chất độc CS để phun rải trên chiến trường miền Nam nước ta. Việc xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh hiện vẫn đang là vấn đề rất khó khăn,nan giải. Để chung tay xử lý vấn đề này, một trong những ưu tiên trọng tâm của Viện là nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ là chìa khóa giải quyết bài toán trên.

Cán bộ Viện Hoá học-Môi trường Quân sự lấy mẫu phân tích mức độ ô nhiễm môi trường ở khu vực biển, đảo miền Trung.  Ảnh: Minh Hưng

Các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Binh chủng Hóa học về công tác khoa học công nghệ và môi trường là “kim chỉ nam” để Viện bám sát, xây dựng cho mình hướng đi phù hợp. Đảng ủy, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, nhân viên của Viện luôn xác định phát huy tinh thần tự lực, tự cường và trí tuệ của tập thể là yếu tố then chốt. Từ tinh thần đó Viện đã chủ động trong nghiên cứu khoa học, triển khai hàng trăm đề tài về lĩnh vực môi trường, cải tiến trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường, hóa, độc, xạ.

Những năm gần đây, Binh chủng Hóa học đã triển khai 12 dự án, 2 đề tài cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và 4 nhiệm vụ khoa học phục vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; đã phối hợp với Bộ CHQS các tỉnh, thành phố thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9 tiến hành điều tra ô nhiễm tại 293 huyện, thị xã, thành phố của 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Viện Hóa học - Môi trường quân sự là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này; đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học để xử lý và ngăn chặn hiệu quả sự lan tỏa ô nhiễm chất độc hóa học ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của bộ đội và người dân sinh sống gần các khu vực điểm nóng ô nhiễm. Kết quả các đề tài nghiên cứu là cơ sở để Viện lựa chọn, xây dựng những công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện thực tế nước ta.

Một công nghệ được đội ngũ cán bộ của Binh chủng Hóa học nghiên cứu thành công và ứng dụng hiệu quả là công nghệ chôn lấp cô lập và chống lan tỏa chất độc da cam; bước đầu được ứng dụng hiệu quả để xử lý đất nhiễm. Tuy nhiên, việc chôn lấp, cô lập chất độc tồn lưu mới chỉ là giải pháp tạm thời, cần phải được tiếp tục xử lý triệt để bằng công nghệ thích hợp.Trên cơ sở các kết quả khảo sát, đánh giá thực tế; nghiên cứu và tham khảo công nghệ xử lý chất độc dioxin trên thế giới, cán bộ, kỹ sư Viện đã triển khai đề tài “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích, phù hợp điều kiện Việt Nam”, nhằm đạt được tiêu chí xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường, có tính khả thi, có thể triển khai ở quy mô lớn và nhất là chi phí xử lý phải phù hợp. Theo đó, công nghệ tích hợp xử lý triệt để chất độc da cam/dioxin trong đất và trầm tích đã được Viện đề xuất. Sau khi nghiên cứu thành công tại phòng thí nghiệm, Viện đã xây dựng hệ thống xử lý thử nghiệm dạng pilot, quy mô 50kg/giờ, vận hành theo đúng các thông số được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thiết kế chế tạo để áp dụng ngoài hiện trường. Đề tài này đã được Hội đồng tư vấn khoa học nghiệm thu đánh giá cao cả về cơ sở khoa học và thực tiễn.

Cán bộ trạm quan trắc cảnh báo môi trường miền Nam (Viện Hoá học-Môi trường Quân sự) lấy mẫu nước tại sông Sài Gòn để phân tích nồng độ ô nhiễm. Ảnh Minh Hưng

Thực hiện nhiệm vụ điều tra thu gom và xử lý chất độc CS có những phức tạp và nguy hiểm khó lường do vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS thường có bộ phận gây nổ và tồn tại trên cùng một địa hình với bom mìn của địch còn sót lạị. Kế thừa kinh nghiệm xử lý chất độc CS trong chiến tranh, vận dụng những thành tựu khoa học trong nước và trên thế giới, Viện đã nghiên cứu thành công "Quy trình công nghệ xử lý chất độc CS" được Hội đồng Khoa học Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá xuất sắc và Bộ đã ban hành để ứng dụng trong toàn quân.

Với ý thức trách nhiệm cao và tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, không quản độc hại nguy hiểm, Viện đã chủ trì và trực tiếp thực hiện hàng loạt các dự án về khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các tỉnh miền Trung thuộc Quân khu 5 và các tỉnh thành thuộc Quân khu 7, Quân khu 9. Giai đoạn (2012-2016), Viện đã hoàn thành chủ trì 10 dự án, nhiệm vụ các cấp. Kết quả là đã điều tra phát hiện, thu gom được hàng trăm tấn chất độc CS và các vũ khí phương tiện chứa CS trên địa bàn các tỉnh, thành phố từ Quân khu 4 đến Quân khu 9; trực tiếp xử lý hơn 100 tấn chất độc CS và vũ khí phương tiện chứa chất độc CS, bảo đảm an toàn tuyệt đối, góp phần làm sạch địa bàn của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ khỏi sự tồn lưu của chất độc hóa học; làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe và ổn định cuộc sống của nhân dân.

Trong 5 năm (2012 - 2016), Viện đã triển khai nghiên cứu 35 đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung nghiên cứu công nghệ, các biện pháp kỹ thuật xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; chế tạo các trang thiết bị trinh sát phát hiện các tác nhân NBC, chế tạo giấy phát hiện chất độc quân sự; chế tạo phương tiện, chất tạo khói ngụy trang, nghi binh để trang bị cho bộ đội hóa học trong toàn quân; máy đo phóng xạ PX-6KT lắp trên Tàu của Quân chủng Hải quân... Các đề tài, nhiệm vụ khoa học đã được nghiệm thu đều đạt yêu cầu trở lên (trong đó có hơn 50% đề tài đạt khá và xuất sắc), nhiều đề tài, nhiệm vụ đã được Nhà nước, Bộ Quốc phòng khen thưởng và đánh giá cao. Một số ứng dụng, sản phẩm của đề tài đã được đưa vào trang bị của Quân đội.

 Chủ động khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường về hoá - độc - xạ, bảo vệ môi trường 

Đất nước đang trong quá trình hội nhập, Công nghiệp hóa- hiện đại hóa, do đó các sự cố xảy ra cũng rất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải có công nghệ xử lý phù hợp đáp ứng yêu cầu thực tiễn với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta. Sự cố hóa chất độc, phóng xạ xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, tiêu hủy hóa chất độc; do khai thác, sử dụng các nguồn bức xạ, các thiết bị bức xạ… là một dạng sự cố môi trường làm nhiễm độc, nhiễm xạ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, uy hiếp tính mạng và tài sản của nhân dân.

Những năm gần đây, thế giới đã ghi nhận nhiều sự cố hóa chất độc, phóng xạ. Ở nước ta cũng đã xảy ra một số sự cố hóa chất, điển hình là các sự cố vỡ các thùng chứa hóa chất trên tàu Xingapo tại cảng Hải Phòng năm 1998. Liên tiếp xảy ra 2 vụ nổ hóa chất tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng năm 2010. Chúng ta hẳn chưa thể quên sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung  năm 2016 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường và đời sống của nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ trên giao, ngay lập tức cán bộ, chiến sĩ của Viện có mặt tại hiện trường, đồng thời tiến hành lấy mẫu ở ven bờ và ngoài biển tại các tỉnh miền Trung. Mẫu liên tục được gửi về Viện, các phòng chức năng phân tích làm việc suốt ngày đêm. Chỉ sau 2 ngày, viện đã có kết quả chính xác báo cáo cấp trên và tham mưu cho cơ quan chức năng, góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố môi trường nghiêm trọng này.Trước đó không lâu, chính những cán bộ, chiến sĩ của Viện đã kịp thời có mặt thực hiện nhiệm vụ cứu hộ các nạn nhân bị ngạt khí độc và tử vong tại hang Nước (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), xua tan sự hoang mang, tuyệt vọng của người dân nơi đây…

Phát huy thế mạnh và từ kinh nghiệm thực tế xử lý chất độc tồn lưu sau chiến tranh, Viện đã mạnh dạn nghiên cứu quy trình công nghệ và chế tạo thành công lò thiêu đốt thuốc bảo vệ thực vật để xử lý tình trạng ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và tồn lưu do quá hạn trên phạm vi cả nước. Viện là cơ sở đầu tiên trong cả nước tiến hành xử lý an toàn các loại thuốc bảo vệ thực vật, góp phần trực tiếp giải quyết vấn đề rất bức xúc về môi trường. Viện đã tiêu huỷ trên hàng trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật cho các tỉnh, thành phố như: Lạng Sơn, Thái Bình, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Hà Nội...

Phân tích mẫu các chất ô nhiễm tại Viện Hóa học Môi trường Quân sự. Ảnh Minh Hưng

 

Trước vấn đề bức xúc về bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, nhất là các đơn vị Quân đội đóng quân ở địa bàn khó khăn, nguồn nước ô nhiễm sau lũ lụt, Viện đã triển khai nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình công nghệ xử lý nước từ nguồn nước mặt, nước ngầm, nước bị ô nhiễm thành nước sinh hoạt phục vụ cho các đơn vị quân đội và nhân dân, và trực tiếp chế tạo các thiết bị lọc nước có công suất từ 5-200m3/ngày lắp đặt cho nhân dân vùng lũ lụt, các đồn Biên phòng, một số đội quy tập mộ liệt sĩ trên đất bạn. Thiết bị xử lý nước cho vùng lũ lụt CB-2 của Trung tâm được UNICEP cấp chứng chỉ và đạt giải nhất, được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Bộ KH&CN trao giải "Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam", được Tổng Liên đoàn lao động Việt nam tặng "Bằng lao động sáng tạo"...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trắc, điều tra đánh giá hiện trạng môi trường

Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt sự ra đời của hàng trăm khu công nghiệp với các nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, đi liền với nó cũng đặt ra một thách thức rất lớn đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Từ nhiều năm nay, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất là vấn đề nổi cộm. Với chức năng của mình, Viện đã thực hiện quan trắc ở nhiều khu vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực phóng xạ môi trường, hóa chất độc hại. Khảo sát, điều tra hiện trạng phóng xạ môi trường tại các cảng Hải quân và một số vùng kinh tế trọng điểm ven biển từ miền Trung đến Kiên Giang...., phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh tại huyện đảo Trường Sa; hiện trạng môi trường quân sự, các xí nghiệp, bệnh viện, kho tàng, trường học trên địa bàn Quân khu 4. Tiến hành đánh giá hiện trạng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp khu công nghiệp. Hoàn thành tốt nhiệm vụ điều tra quản lý chất thải nguy hại, nguồn bức xạ ở một số đơn vị quân đội và địa phương. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến tác động hóa học, phóng xạ trong không khí ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình và các mục tiêu, địa bàn quan trọng của đất nước. Kiểm soát môi trường không khí 24/24 tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Lập bản đồ phông phóng xạ một số khu vực được Bộ Quốc phòng đánh giá đạt kết quả xuất sắc.Qua đó, đã đề xuất và triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, bảo vệ sức khỏe bộ đội.

Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Hóa học – Môi trường quân sự liên tục là ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Binh chủng và Bộ Quốc phòng giao, xứng đáng với truyền thống hào hùng 60 năm trưởng thành, xây dựng và phát triển của Bộ đội Hóa học Anh hùng.

Đại tá, TS VÕ THÀNH VINH (Nguyên Viện trưởng Viện Hóa học - Môi trường Quân sự)